Triển lãm truyền thống chỉ đơn thuần trưng bày các sản phẩm mới không còn được nhiều thương hiệu ưa chuộng. Năm 2023 bắt đầu một bước ngoặt mới trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng, trong đó lựa chọn kết hợp cùng các nghệ sĩ, nhà thiết kế hay những người làm công việc sáng tạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo.
Hướng đi mới được nhiều “ông lớn” ưa chuộng
Không khó để nhận thấy luôn có sự kết nối vô hình hay hữu hình giữa các thương hiệu xa xỉ và thế giới nghệ thuật. Cũng không khó để nhận thấy ngày càng nhiều giám đốc sáng tạo của các thương hiệu lấy cảm hứng từ các khuynh hướng cũng như triết lý nghệ thuật. Nhiều căn cứ cho thấy hình thức tiếp cận khách hàng thông qua nghệ thuật là một xu thế tất yếu để gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Thứ nhất, các thương hiệu tôn vinh người làm nghệ thuật sáng tạo. Nhiều thương hiệu khi ra mắt bộ sưu tập mới hoặc mở cửa hàng mới thường kết hợp cùng các triển lãm nghệ thuật đương đại hay tổ chức ở những bảo tàng, địa điểm có lịch sử nghệ thuật lâu đời.
Louis Vuitton với triển lãm kỷ niệm 160 năm, quy tụ 180 sản phẩm trong kho lưu trữ từ những món lâu đời thế kỷ XX cho đến phiên bản giới hạn của các nghệ sĩ hàng đầu như Yayoi Kusama, Damien Hirst và Jeff Koons, tất cả được trưng bày lần lượt trong 9 không gian, tôn vinh nhiều khía cạnh khác nhau của quá khứ và tương lai, của di sản và hiện đại.
Không cần thiết đặt câu hỏi về việc liệu thời trang có phải là nghệ thuật hay không. “Yves Saint Laurent Aux Musées” là một triển lãm quy mô “xúc tu”, phân nhánh đến 6 bảo tàng và trung tâm nghệ thuật nổi bật nhất Paris.
Nhãn hàng thời trang danh tiếng Gucci vừa qua đã tổ chức Tuần lễ triển lãm thời trang đẳng cấp thế giới với chủ đề “Cine Gucci”. Trong đó, Việt Nam vinh dự trở thành 1 trong 8 quốc gia tổ chức và T Production là đơn vị phối hợp tổ chức, truyền thông.
Buổi triển lãm được tổ chức tại Nhà hát Thành phố, TP.HCM. Vì đây là sự kiện có quy mô và quan trọng nên chỉ có hơn 100 khách VIP được mời tham dự. Đây đều là những ngôi sao hàng đầu và doanh nhân sẽ cùng có mặt thưởng thức buổi triển lãm.
Thứ hai, khi việc bán hàng giờ đây không chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm hay mẫu mã thiết kế mà còn phụ thuộc vào cảm xúc khách hàng, thương hiệu nào chiếm được cảm tình của khách hàng sẽ giành ưu thế. Đó là lý do thôi thúc các thương hiệu không ngừng tìm tòi và kết hợp cùng các nghệ sĩ, người làm sáng tạo để tạo ra những sản phẩm lạ mắt, độc đáo. Louis Vuitton từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ danh tiếng trong giới nghệ thuật đương đại như Takashi Murakami, Stephen Sprouse, Olafur Eliasson, Jeff Koons để tạo nên những thiết kế không trùng lặp. Gần nhất, buổi trình diễn bộ sưu tập mới nhất của Dior có bối cảnh do nghệ sĩ người Pháp Eva Jospin thực hiện. Đó là một tác phẩm sắp đặt tráng lệ tôn vinh nghệ thuật và các nền văn hóa trên thế giới, tại điểm giao thoa giữa nghệ thuật và thời trang cao cấp.
Dior đã tổ chức buổi trình diễn trong khu vườn của bảo tàng Rodin ở Paris với những bức tranh thêu do nghệ sĩ người Pháp Eva Jospin thiết kế và được thực hiện bởi các nữ nghệ nhân Ấn Độ.
Nhiều giám đốc sáng tạo cũng lấy cảm hứng từ nghệ sĩ như trường hợp Yves Saint Laurent với chiếc váy Mondrian lấy cảm hứng từ nghệ thuật trừu tượng của nghệ sĩ Piet Mondrian. Maria Grazia Chiuri – Giám đốc sáng tạo của Dior – lấy cảm hứng từ những sáng tạo của các nghệ sĩ theo trường phái siêu thực như André Breton, Lee Miller và Dora Maar… cho các bộ sưu tập của cô.
Các nhà thiết kế tên tuổi như Công Trí, Nguyễn Hoàng Tú hay những nghệ sĩ đương đại như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lys Bùi, OHQUAO, Việt Max… cũng không ít lần kết hợp cùng các thương hiệu từ xe hơi đến đồ uống, quần áo, giày dép… Nổi bật nhất là “cái bắt tay” của thương hiệu Uniqlo với các nghệ sĩ Việt tạo ra các sản phẩm UT! Me đậm tính bản địa cho mỗi chiến dịch khai trương cửa hàng.
Sáng tạo đã thoát khỏi tính chất hàng hóa
Những ví dụ trên cho thấy nghệ thuật đã và đang góp phần làm thay đổi thương hiệu và sản phẩm. Theo nhận định của nghệ sĩ Dzũng Yoko – người từng hợp tác sáng tạo cho các thương hiệu mỹ phẩm, đồ uống qua các bộ ảnh chụp sắp đặt công phu – việc kết hợp này giúp tăng độ phủ cho thương hiệu đồng thời củng cố ý tưởng, hình ảnh cụ thể về thương hiệu tốt hơn. Với các thương hiệu xa xỉ, việc kết hợp giữa nghệ sĩ và thương hiệu thường được giới hạn trong số lượng từ vài chục đến vài bản, thậm chí độc bản. Trong những trường hợp đó, sáng tạo đã thoát khỏi tính chất hàng hóa và được nâng tầm lên thành tác phẩm nghệ thuật, có giá trị sưu tầm, trưng bày.
Ở góc độ người làm sáng tạo, nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú cho rằng sự kết hợp trên giúp nghệ sĩ có cơ hội thử thách bản thân khi được làm việc trong không gian mới, với chất liệu mới. “Nhờ vậy, người làm sáng tạo có thể tiệm cận những xu hướng đang diễn ra trong đời sống” – Nguyễn Hoàng Tú khẳng định.
Trong tương lai, khi nhu cầu và thẩm mỹ của con người ngày càng tinh tế hơn, xu hướng đưa nghệ thuật vào sản phẩm sẽ tiếp tục phát triển và không ngừng nâng cao. Nghệ thuật sinh ra từ đời sống, phản chiếu đời sống rồi khúc xạ thành những xu hướng đi trước thời đại, mang tính dự báo. Các thiết kế cũng vậy. Sự kết hợp này, theo nghệ sĩ Dzũng Yoko, sẽ tiến sâu hơn và tiệm cận hơn các xu hướng của thời đại công nghệ và thế giới đa vũ trụ ảo.
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp