Thị trường nhượng quyền được lòng nhiều người do mô hình kinh doanh có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, có tiền thôi vẫn chưa đủ để duy trì và làm tốt vai trò vận hành doanh nghiệp theo thời gian.
Không thể chỉ dựa vào đồng vốn bỏ ra ban đầu cùng với cam kết chuyển giao công nghệ từ thương hiệu mà bạn dửng dưng không đầu tư vào vận hành. Tâm tưởng này xuất phát từ ý nghĩ: Kinh doanh nhượng quyền là bỏ ra số tiền nhàn rỗi và nhận lời lãi về mỗi ngày, mọi công nghệ, quy trình đều đã được chuyển giao toàn bộ thì việc của “chủ” chỉ là đợi thống kê tiền lãi.
Chính vì tâm lý chủ quan và “ném” hết niềm tin vào đối tác nhượng quyền mà bạn có thể rước lỗ vào thân.
Thực chất, nhiệm vụ của bên nhượng quyền chỉ là chuyển giao bản quyền thương hiệu và quy trình của họ cho bạn với một khoản vừa xứng. Nhiệm vụ tiếp theo của bạn là duy trì và vận hành thương hiệu được nhường quyền, khi bạn không còn đủ sức duy trì thì cũng không liên quan gì đến họ.
Khi mua nhượng quyền, có tiền thôi là chưa đủ. Để thành công, bạn phải có sự tập trung và năng lực vận hành, cũng như thái độ đúng đắn với công việc kinh doanh.
Anh H.T. chia sẻ: “Chuyện là khi đã khá thành công tại thị trường miền Bắc, tôi mở rộng chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh do mình sáng lập vào miền Nam. Đối tác nhận quyền khá lý tưởng: Một người có tài chính, quen biết cổ đông và có sẵn một vài mặt bằng đẹp tại Sài Gòn, có thể triển khai kinh doanh ngay.
Vì là lần đầu nhượng quyền đến một địa bàn trọng điểm, tôi trực tiếp vào quản lý và phát triển thị trường. Sau vài tháng quán chạy tốt, chúng tôi bắt đầu gặp vấn đề vì không thể chuyển giao vận hành cho bên nhận quyền. Mở đến 3 cửa hàng thì không thể mở rộng thêm được do bên nhận quyền phụ thuộc hoàn toàn vào team hỗ trợ từ miền Bắc. Thời gian hỗ trợ vận hành đã quá hạn, tôi phải về Hà Nội để tập trung vào các cửa hàng của mình. Khi bàn giao lại, tôi nhớ mãi câu nói của đối tác: “Anh chị mua cho con làm, mà không ngờ làm quán vất vả thế…”.
Anh cho rằng nhượng quyền không đơn thuần là phương án mở quán ít rủi ro với lợi nhuận tốt cho người mua. Vì thế, khi đã bỏ tiền ra để lao vào thương trường thì đầu phải góp công sức để đầu tư liên tục và phải thực hiện bằng cả đam mê đến cùng.
Ngoài ra, thị trường nhượng quyền ở thời điểm hiện tại dần trở nên méo mó do công cụ nhượng quyền bị sử dụng sai mục đích, thậm chí dùng để lừa đảo, chiếm dụng vốn… Đôi khi, những cam kết không tưởng và những mỹ từ được các bên bán nhượng quyền sử dụng như “nhà đầu tư”, “gói đầu tư”, “cam kết lợi nhuận”, “trả lãi hàng ngày/ tháng”… chỉ là những “hạt thóc” vứt ra để “lùa gà” mà thôi.
Có bên nhượng quyền cam kết hoàn vốn trong 3 tháng, thậm chí hoàn vốn trong 10 ngày; lại có bên nhượng quyền 0 đồng, miễn phí quản lý, không phải nhập nguyên liệu. Hay có bên kêu gọi gói đầu tư góp vốn 500 triệu đồng, thu về lãi hàng tháng 35 triệu đồng, giá trị sau 24 tháng là 840 triệu đồng.
Bạn phải hiểu bên bán nhượng quyền có một số nguồn thu cơ bản: Phí nhượng quyền, phí quản lý theo doanh số, tiền bán nguyên liệu… và thêm một số nguồn thu khác nữa. Vậy không thu gì cả thì bên bán nhượng quyền thu lời bằng gì?
Hai nguyên tắc cơ bản nhất của nhượng quyền
Đó là: Hãy chỉ nhượng quyền khi và chỉ khi mô hình đã được chứng minh là (1) thành công ở quy mô chuỗi (ít nhất 3 điểm bán) và (2) thành công trong một khoảng thời gian đủ dài (ít nhất trong vòng 1 năm). Nhượng quyền là nhân bản một mô hình đã chứng minh được sự thành công. Nếu mô hình gốc còn đang chông chênh, chưa vững thì khả năng mô hình nhân bản thất bại là rất cao.
Đó chỉ là hai yếu tố cơ bản nhất, chưa kể đến hàng loạt các yếu tố cần phải làm rất chi tiết trước khi bạn muốn bán nhượng quyền.