Trong công cuộc Start-up ngành làm đẹp, thị trường vốn đầy thách thức và cạnh tranh thì tiền vốn không còn là tất cả. Thay vào đó là cả chiến lược, là các nước đi đầy suy tính để chinh phục khách hàng lựa chọn thương hiệu mình trong vô vàn thương hiệu trên thế giới.
Gầy dựng một cộng đồng mạng gắn kết, chiến lược bán lẻ độc đáo và tạo ảnh hưởng tốt đến môi trường và xã hội là ba yếu tố chính giúp các start-up thời trang và mỹ phẩm thành công.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà người người nhà nhà nhắc đến “khởi nghiệp”. Mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn các start-up được ra đời với những ý tưởng độc đáo, hy vọng có thể đi vào thực tiễn và tạo ra giá trị cho xã hội.
Xã hội thay mình liên tục, ngành làm đẹp càng cần phải biến chuyển không ngừng để tránh rơi vào lạc hậu. Cùng với đó là những diễn biến bất chợt khiến hành vi khách hàng cũng làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, những thương hiệu này đã tìm được cách kết nối với khách hàng và phát triển một cách bền vững với những đối tác cùng chí hướng.
Thông điệp gắn kết
Những thương hiệu ra đời trong đại dịch không có nhiều sự lựa chọn khi phải tạo dựng cộng đồng online, và “trong cái khó ló cái khôn”, họ không những quen dần với việc này mà còn tạo ra hiệu ứng rất tốt. Các chiến dịch được lựa chọn luôn gắn liền với hoạt động cổ vũ, tiếp sức và tạo nên cộng đồng sát cánh cùng thương hiệu.
Gắn kết là điểm mấu chốt cho những thương hiệu trẻ ngày nay, giúp họ kết nối được với thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi, từ đó giúp người tiêu dùng trung thành với thương hiệu.
“Người trẻ thường cảm thấy chỉ những người cùng thế hệ với họ mới hiểu được họ mà thôi. Tôi nghĩ Gen Z có khuynh hướng ủng hộ những thương hiệu được gầy dựng từ những Gen Z khác bởi vì sản phẩm họ làm ra đáp ứng được những trải nghiệm chỉ có Gen Z mới hiểu”, cô Julia Peterson, chiến lược gia của công ty chuyên nghiên cứu về văn hoá giới trẻ Archrival cho biết.
Cân nhắc chiến lược kinh doanh
Mỹ phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối tuy quan trọng nhưng không phải là hình thức tốt nhất cho những thương hiệu start-up. Họ nhận thấy việc bán trực tiếp đến người tiêu dùng (direct-to-consumer hay DTC) giúp giải quyết được vấn đề chi phí vật tư tăng cao và lợi nhuận bán lẻ giảm. Thời gian tung bộ sưu tập (BST) cũng có sự thay đổi để thương hiệu có nhiều thời gian hơn trong khâu sản xuất.
Chiến lược kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến và sàn thương mại điện tử đang “được lòng” nhiều thương hiệu làm đẹp. Các start-up có thể tận dụng các ưu đãi của đối tác trực tuyến nhằm kích thích sự tò mò của khách hàng, khiến họ khám phá thương hiệu và dùng thử sản phẩm với giá cả phải chăng.
Tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng
Những thương hiệu trẻ chính là những thương hiệu đã đặt nền móng cho việc tạo ảnh hưởng tốt đến môi trường và xã hội trong năm 2022.
Những chiến dịch hướng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường thường chiếm được sự tin yêu từ khách hàng ngành làm đẹp. Các loại bao bì thân thiện với môi trường, chai lọ có thể tái sử dụng với nhiều giá trị nhân văn hướng đến con người và trái đất là điểm cộng rất lớn dành cho các start-up.
Tuy nhiên, thực hiện các hoạt động hướng đến xã hội và đồng thời để thương hiệu phát triển với quy mô lớn, họ phải học cách kết hợp nhu cầu của thị trường với nền kinh tế tuần hoàn.
Như vậy, những thương hiệu start-up thường có lợi thế tương tác với khách hàng từ những ngày đầu. Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến hơn, các start-up có thể dùng công cụ này để gắn kết với khách hàng trước khi đầu tư quá nhiều vào công nghệ như website hay e-commerce tại thị trường Việt Nam.
Việc tạo ra ảnh hưởng tốt đến môi trường và xã hội cũng là cách gắn kết lâu dài với người tiêu dùng. Việc này có thể bắt đầu bằng những bước đi nhỏ, nhưng phải phù hợp với giá trị của thương hiệu. Từ đó thương hiệu có thể tạo ra sự khác biệt, điều đang rất thiếu đối với những thương hiệu thời trang và mỹ phẩm trong nước hiện tại.
Nguồn tham khảo: Brands Vietnam
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp