Mức độ phổ biến của hình thức mua sắm qua livestream đã tăng vọt trong những năm gần đây. Kết quả là mang đến một cách thức mới và hấp dẫn để người tiêu dùng khám phá và mua sản phẩm. Trong đó, tại livestream có thể bao gồm việc trình diễn cùng sản phẩm, hướng dẫn cách mua hàng online hoặc trải nghiệm sản phẩm cùng các influencer.
Người dùng Việt dành phần lớn thời giờ mua hàng qua livestream
Theo một nghiên cứu từ Milieu Insight, mua sắm qua livestream “đang thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm và tương tác với các thương hiệu ở Đông Nam Á”.
Nghiên cứu được thực hiện về hành vi và sở thích mua sắm qua livestream với 9000 người ở Đông Nam Á. Trong đó, tại Singapore, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, mỗi quốc gia có 1500 người tham gia khảo sát.
Người tiêu dùng Việt Nam xem video bán hàng livestream thường xuyên nhất, với 65% cho biết họ làm như vậy ít nhất một lần một tuần, tiếp theo là người tiêu dùng ở Thái Lan (57%) và Malaysia (48%).
Kết quả cho thấy cứ 10 người tiêu dùng ở Đông Nam Á thì có gần 5 người theo dõi chương trình bán hàng qua livestream ít nhất một lần một tuần với 63% trong số họ đã mua hàng.
Một vài chỉ số quan trọng trong khảo sát khu vực Đông Nam Á:
Nhiều người dùng tiếp cận các video livestream bán hàng do tò mò
Người tiêu dùng thường xem các video livestream khi đã biết họ muốn mua gì, nhưng cứ 10 người thì có 7 người sẵn sàng mua những sản phẩm mà họ quan tâm (dù có thể sản phẩm đó không nằm trong ý định mua ban đầu).
43% người mua sắm trong khu vực cho biết khi xem các video bán hàng livestream, họ đã biết mình muốn mua gì nhưng sẵn sàng mua các sản phẩm khác mà họ quan tâm.
Tương tự, 29% khác sẵn sàng mua những sản phẩm mà họ quan tâm, nhưng thường xem livestream dù không biết mình muốn mua gì.
Khi được hỏi người tiêu dùng thích gì khi mua sắm qua livestream, 38% ở Singapore và Philippines cho biết đó là vì họ có thể khám phá các sản phẩm mới.
Những người được hỏi được yêu cầu xếp hạng các phương thức mua sắm trực tuyến ưa thích của họ trong số 4 phương pháp và đi đến kết quả: 1) Nền tảng thương mại điện tử trên thị trường, 2) Trang web của thương hiệu hoặc nhà bán lẻ, 3) Phương tiện truyền thông xã hội của thương hiệu hoặc nhà bán lẻ 4) Video phát trực tiếp.
Mặc dù số liệu hiện tại cho rằng thương mại điện tử vẫn đứng đầu trong ưu tiên của khách hàng khi mua sắm online, không có gì chắc chắn con số này sẽ được giữ vững. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, livestream vẫn được yêu thích và xuất hiện thường xuyên trên tất cả các nền tảng từ Facebook, Instagram, TikTok,…
Người dùng Việt tăng cường sử dụng và thành thạo các dịch vụ số
Năm 2022, người dùng Việt dành hơn 37 triệu giờ trên Shopee Live cho việc kết nối, tương tác nhà bán hàng yêu thích để tìm hiểu về các sản phẩm mình quan tâm trước khi đặt mua. Họ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng này, đồng thời mong muốn nhận được thêm nhiều giá trị và trải nghiệm trực tuyến hoàn chỉnh hơn.
Bên cạnh đó, người dùng Việt cũng chủ động hơn khi mua sắm trực tuyến. Họ tích cực chia sẻ các phản hồi cũng như đánh giá của mình về sản phẩm đã trải nghiệm, giúp những người dùng khác đưa ra quyết định mua hàng tốt hơn.
Tỉnh, thành nhỏ gia tăng sử dụng dịch vụ tiêu dùng số
Theo thống kê của Shopee, ngoài các thành phố lớn, Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng là những tỉnh thành có số lượng đặt hàng cao nhất trên nền tảng này, trong đó các ngành hàng về nhà cửa và đời sống, sức khỏe và sắc đẹp, thời trang được quan tâm nhất.
Người dùng ở khu vực ngoại thành ngày càng quen thuộc với việc tương tác cùng các thương hiệu, nhà bán hàng thông qua các buổi phát trực tiếp, và dần chuyển sang các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch.
Bài Kim Yến
Ảnh Tổng hợp