Ngành làm đẹp đang tham gia thị trường bằng cách len lỏi và đánh thức nhu cầu từ những người không có nhu cầu thông qua các hình thức sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến.
Nhìn lại một năm 2022 “chạy đua” để vực dậy nền kinh tế sau khi tạm thời ổn định tình hình dịch bệnh, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam “nóng” lên bởi doanh thu ấn tượng từ các tên tuổi lớn nhỏ.
Trong khi Shopee phải mất 11 tháng mới đạt doanh thu 91.000 tỷ đồng thì “mầm non” Tiktok Shop chỉ mất 1 tháng để thu hút người dùng và mang lại doanh số 1.698 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Metric, ngành hàng làm đẹp đạt doanh thu lớn nhất, với gần 22.000 tỷ đồng, chiếm hơn 16, 3% tổng doanh thu thị trường TMĐT. Theo sau là các ngành hàng nhà cửa – đời sống, thời trang nữ, điện thoại – máy tính bảng và điện gia dụng.
Là một “tay chơi mới” trên thị trường, nhưng TikTok Shop đã cho thấy sức trỗi dậy lớn nhất trong năm 2022. Sau khi chính thức ra mắt vào đầu năm 2022, TikTok Shop nhanh chóng thực hiện chiến lược tung khuyến mãi để hút người dùng, như cách Shopee và Lazada từng làm.
Đột phá hơn Shopee hay Lazada, Tiktok Shop là chuỗi hành trình người dùng, dẫn họ tham gia vào các video giải trí, trải nghiệm hay những chia sẻ lôi cuốn từ đội ngũ KOCs, KOLs, influencers. Chủ nhân các video có thể để lại thông tin sản phẩm ngay dưới dòng chú thích hoặc có thể gắn link tại tiểu sử trang cá nhân, giúp người dùng không cần phải tìm kiếm mà vẫn có thể mua được sản phẩm một cách nhanh chóng.
Nền tảng TikTok cung cấp 3 loại dịch vụ. Đầu tiên, là giúp người dùng được giải trí khi xem video. Thứ hai là giải trí nhằm phục vụ học tập, chẳng hạn như các kỹ năng nấu ăn, học tiếng Anh… Cuối cùng, TikTok cung cấp dịch vụ giải trí mua sắm. Người dùng xem TikTok sau khi thấy người khác mua, sẽ phát sinh hành vi mua sắm.
Nhiều người dùng cho rằng họ gần như bị thuyết phục mua hàng sau khi xem xong nội dung trên nền tảng này, đặc biệt lại có nhiều ưu đãi hấp dẫn, dù rằng mục tiêu ban đầu của họ chỉ để giải trí.
Đại diện TikTok Việt Nam lý giải, mỗi người sản xuất ra sản phẩm bất kỳ đều có lý do. TikTok trao cho họ cơ hội kể lại câu chuyện của mình. Những người sử dụng sản phẩm cũng có cơ hội kể lại rằng, tại sao họ dùng sản phẩm đấy. Từ đó, những người tiêu dùng bình thường có thể lắng nghe và ra quyết định.
Một điểm mới khác mà vị này chỉ ra là, vai trò của người bán hàng cao hơn trước. Theo quan sát của ông, chỉ sau mấy tháng, tất cả ngành hàng đều có những gương mặt mà một phiên livestream trong thời gian 1 – 2 tiếng của họ chắc chắn đạt trên 1.000 đơn hàng, thậm chí hàng chục ngàn đơn hàng.
Đối với ngành hàng mỹ phẩm, người dùng có thể được đặt câu hỏi và được tư vấn trực tiếp ngay trên livestream. Nhiều ông lớn ngành làm đẹp đã có bước tiến mới, họ bắt nhịp xu thế và kết hợp cùng các nhà sáng tạo nội dung để tiếp cận và thôi thúc nhu cầu mua sắm các sản phẩm của thương hiệu.
Bên cạnh đó, TikTok trở thành công cụ khám phá ưa chuộng của người dùng. Nội dung trên nền tảng kích thích họ khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới một cách tự nhiên, thậm chí đưa ra các quyết định mua hàng không được lên kế hoạch từ trước. Một nửa người dùng TikTok thừa nhận, họ đã khám phá sản phẩm hoặc thương hiệu mới khi đang sử dụng nền tảng, 89% đã mua hàng ngoài kế hoạch sau khi xem video trên TikTok. Đây cũng là con số cao nhất trong tất cả các nền tảng mạng xã hội hiện có.
Có thể thấy, cách làm của TikTok là tạo ra cơ hội cho cả người mua, người bán và nhà sản xuất, sao cho tất cả đều chỉ phải bỏ mức chi phí thấp nhất. Người bán và nhà sản xuất có thể hoàn toàn tập trung vào chuyên môn, không cần quan tâm đến marketing. Trong khi người mua sẽ mua được hàng với mức giá rẻ nhất từ các chính sách trợ giá hấp dẫn từ nền tảng trực tuyến này.
Nguồn tham khảo: Báo Đầu tư
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp