Mỗi thế hệ nhân sự sẽ mang trong họ một cá tính đặc trưng, càng đi về sau, thế giới quan càng được cải thiện và tiến bộ theo dòng chảy tiến hóa. Lãnh đạo của năm 2023 đã chuyển mình rất khác, thay thế yếu tố quyền lực bằng sự tử tế.
Lãnh đạo chứ không lãnh đạm
Môi trường làm việc thời gian trước luôn ám ảnh bởi “lằn ranh” cấp quyền. Một ranh giới vô hình nằm chen giữa nhân viên và người lãnh đạo, một định nghĩa tiêu cực được áp đặt suốt nhiều thế hệ.
Cách tương tác bề trên, quyền lực và xa cách dường như đã lỗi thời trước những nhân sự thế hệ mới. Kết cục, nhiều lãnh đạo với phong cách tương tự đang loay hoay trong chính công việc mình được giao: Quản trị con người.
Năm 2019, một nghiên cứu của DDI – Hoa Kỳ cho thấy 57% nhân viên nghỉ việc vì sếp của họ. Tới 2021, từ đơn vị nghiên cứu khác – Good Hire, con số cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm: 82% người lao động cân nhắc nghỉ việc vì một người sếp tồi.
Đa số nhân viên cho rằng, người lãnh đạo tốt là một người biết dùng họ và truyền động lực, cảm hứng khiến họ muốn đồng hành và cống hiến. Những câu hỏi chào thân mật đến nhân viên để hiểu cấp dưới của mình đang có khó khăn gì cũng là cách giao tiếp đầy ắp sự tử tế.
Thực tế lại bẽ bàng, nhiều doanh nghiệp lại xem nhẹ việc này và xem đây là những ý tứ không cần thiết. Họ cho rằng tất cả mọi người đều làm việc để hưởng lương, ban quản trị đã quá nhiều công việc và áp lực thì họ phải mạnh mẽ và dứt khoát, thậm chí có một chút lạnh lùng để nhân viên trong tâm thế “sợ” mà làm việc đạt hiệu quả.
Thực tế đã chứng minh: Việc thiếu kết nối và kém hỗ trợ từ quản lý có thể khiến bạn trông quyền lực, nghiêm khắc nhưng đồng thời cũng kéo nhân sự rời bỏ bạn.
Trong “CEO Excellence”, một cuốn sách của McKinsey phỏng vấn 67 CEO, tất cả đều chia sẻ rằng họ coi những vấn đề chuyên môn cũng như những vấn đề văn hóa và con người với mức độ quan trọng như nhau. Các CEO chia sẻ: “Là lãnh đạo, bạn có nhiệm vụ phải quan tâm tới những người mà bạn lãnh đạo”.
Chân dung nhà quản trị tương lai
Trong kỷ nguyên mới này, khái niệm lãnh đạo hay nhà quản lý đang được khắc họa theo cách mới. Mục tiêu không còn là dùng quyền lực để khiến cấp dưới phải “sợ” mà là dùng sự tử tế để họ trân trọng và đồng hành lâu dài.
Chân dung của một lãnh đạo hiện đại đòi hỏi phải tử tế để tạo ra nền tảng lành mạnh giúp giữ chân nhân tài, giao tiếp hiệu quả, an toàn về tâm lý và tạo cơ hội để phát triển. Sự tác động này thậm chí không chỉ giới hạn trong những cá nhân do một quản lý tiếp cận, mà hoàn toàn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong việc gia tăng kết nối xã hội và hòa nhập trong cả tổ chức.
Thực tế, cách tiếp cận này không hoàn toàn mới. Khi xã hội ngày càng áp lực, sức khỏe tinh thần của con người bị ảnh hưởng, nỗi cô đơn trong những đô thị gia tăng, một câu nói quan tâm tử tế đôi khi có sức mạnh hơn cả việc “sưởi ấm ba tháng mùa đông”.
Từ mệnh lệnh, chuyển sang trao quyền; từ thúc ép, chuyển sang hỗ trợ; từ nguyên tắc, chuyển sang thấu cảm; và từ coi là nhiệm vụ, chuyển sang ghi nhận. Đó là những bước tiến mới trong thế giới của những người làm công tác lãnh đạo.
Và đó sẽ là tương lai của lãnh đạo!
Dưới góc độ người được quản trị, họ cũng cần hợp tác cùng người lãnh đạo để tạo ra môi trường làm việc bình đẳng. Tử tế đến đâu nhưng nếu cấp dưới chây lười và xem nhẹ yêu cầu công việc thì người chịu trách nhiệm nặng nề nhất vẫn là người đứng đầu.
Vì thế chúng ta vẫn phải tập trung vào bản thân, phát triển chính mình và đảm bảo hiệu suất. Và đây là thế giới kinh doanh chứ không phải khu vui chơi cho trẻ em.
Nguồn tham khảo: Brands Vietnam
Bài viết gốc: Linh Đàm
Ảnh: Tổng hợp