Không phải tiền của hay một món đồ xa xỉ nhưng giấc ngủ sâu mới là thứ khó tìm giữa nhịp thở hối hả của thời đại. Cảm thấy cơ thể hoàn toàn mệt mỏi nhưng giấc ngủ rất khó tự tìm đến, hoặc cơ đầu óc vẫn mãi suy nghĩ và cảm giác mơ hồ giữa mơ – thực là những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ. Hiện tượng này đang dần phổ biến và để lại nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Một giấc ngủ tốt là giấc ngủ đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ. Giấc ngủ đủ sâu sẽ giúp các tế bào thần kinh có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo. Đồng thời cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng tươi mới phục vụ cho hoạt động sống và công việc.
Là nhân sự cho một công ty đa quốc gia giữa thời buổi hội nhập quốc tế, nhiều lao động phải bất đắc dĩ thay đổi đồng hồ sinh hoạt vì công việc. Chị T. đang sống tại TP.HCM chia sẻ: “Mình công tác tại một chi nhánh thuộc công ty đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ, nhiều cuộc họp diễn ra vào 3 – 4 giờ sáng khiến giờ giấc sinh hoạt hoàn toàn bị đảo lộn, giấc ngủ rất chập chờn. Có lúc, mình cảm nhận giấc ngủ sâu nhất cũng chỉ tầm 3 tiếng vào sáng hôm sau và phải dậy để tranh thủ đến công ty nên cảm thấy rất đuối sức.”
Đôi khi nhiều người vẫn cho rằng, điều này chỉ diễn ra tạm thời, nếu thay đổi thói quen thì đồng hồ sinh học sẽ quay lại như bình thường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu thói quen sinh hoạt kém lành mạnh và đã tồn tại đủ lâu thì rất khó thay đổi, cũng như để lại nhiều hậu quả trực tiếp lên sức khỏe.
Không chỉ gây cảm giác lờ đờ uể oải ở mức nhẹ, nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng rối loạn giấc ngủ thì tương lai khó tránh khỏi bị giảm khả năng ghi nhớ, tư duy và suy luận logic của não bộ, rối loạn cảm xúc, hay chán nản, vui buồn thất thường, dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, các bệnh lý tim mạch…
Nhận biết là bản thân đang có vấn đề về giấc ngủ, tuy nhiên ít ai nghĩ mình đang rơi vào trạng thái rối loạn. Số đông vẫn tin rằng, ngủ nhiều nhưng vẫn thấy buồn ngủ thì ngủ thêm đến khi không còn cảm giác này nữa. Tuy nhiên, đây lại là một trong các dấu hiệu thường thấy của chứng rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thường xuyên bị thiếu ngủ cả về thời gian lẫn chất lượng giấc ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn và chất lượng cuộc sống của mỗi người.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký – Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Chứng rối loạn chu kỳ giấc ngủ là khi ngủ quá khuya hoặc làm việc theo ca khiến nhịp sinh học thay đổi gây cảm giác choáng váng, mất phương hướng và buồn ngủ vào ban ngày. Hội chứng chân không yên là một rối loạn chuyển động khi ngủ, gây cảm giác khó chịu, bồn chồn, thôi thúc người bệnh phải di chuyển chân khi đang cố gắng chìm vào giấc ngủ, ngoài ra còn có thể gặp các rối loạn khác như ngưng thở khi ngủ hoặc giảm thông khí khi ngủ”.
Cũng theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân gây nên chứng rối loạn giấc ngủ có thể là do căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, stress quá mức do áp lực về học tập, công việc, cuộc sống khiến người bệnh khó vào giấc, ngủ không ngon và hay mộng mị về đêm; ốm sốt, dị ứng, gặp tác dụng phụ của thuốc tây, gặp các vấn đề về hô hấp, hoặc mắc một số rối loạn thần kinh như tăng động giảm chú ý, co giật, động kinh hoặc Người mắc bệnh tiểu đêm, tuần hoàn máu kém, thiếu máu não, suy nhược cơ thể, các bệnh lý gây đau mạn tính (viêm khớp, viêm ruột, đau cơ xơ hóa,…) khiến người bệnh khó ngủ hơn bình thường.
Với vài bước sắp xếp lại cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, yếu tố tinh thần là chất xúc tác quan trọng trước và sau để giấc ngủ luôn được tròn vẹn. Để tinh thần cảm thấy thoải mái trước khi ngủ, Trưởng khoa Tâm lý Trị liệu Kate Yan Yijia chia sẻ rằng: “Sắp xếp không gian phòng ngủ hợp lý, từ nhiệt độ, chất lượng và loại nệm cũng như tập ngủ đúng giờ để ngon giấc hơn vào mỗi tối”.
Quan trọng hơn cả là sắp xếp công việc hợp lý để tránh trạng thái căng thẳng kéo dài, kết hợp tập luyện thể thao nhẹ nhàng như thiền định, yoga. Đôi khi mọi bệnh lý trầm trọng trong tương lai đều có xuất phát điểm từ những giấc ngủ chập chờn của hôm nay.
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp