Chat GPT được ví là “cỗ máy biết tuốt” chỉ không biết… khóc cười. Vậy con người sẽ ra sao, hoạt động ngành truyền thông sẽ “dịch chuyển” thế nào khi AI dường như đang làm được nhiều việc hơn người ta có thể tưởng?
Tiếp cận người dùng bằng đối thoại tự nhiên và trôi chảy
Khác với những mẫu link dẫn khô khan trên các công cụ tìm kiếm truyền thống, ChatGPT khiến người dùng toàn thế giới phải ngạc nhiên vì những cuộc trò chuyện dễ gần lại còn mang đến thông tin mà đối phương cần. Có thể nói, khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách trôi chảy và tự nhiên chính là điểm mạnh tuyệt vời mà phát minh này mang lại.
Trong thời đại có quá nhiều thông tin cần chọn lọc, sự xuất hiện của ChatGPT với khả năng truy vấn và đáp ứng nhanh chóng hầu hết yêu cầu thông tin giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Nhiều người tin rằng công cụ chatbot này hoàn toàn có khả năng tái định nghĩa và thay thế những công cụ tìm kiếm truyền thống và góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong tương lai. Vì thế, nhân sự trong lĩnh vực quảng cáo cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng công nghệ mới nhằm tạo ra những nội dung hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và sở thích cụ thể của người dùng.
Công cụ đắt giá cho truyền thông thương hiệu
Nhờ khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT có khả năng gợi ý thương hiệu của bạn theo cách gần gũi và dễ tạo lòng tin ngay từ lần tiếp cận đầu tiên. Đây là công cụ hỗ trợ đội ngũ marketing trong việc tối ưu hóa thông tin tìm kiếm của khách hàng thông qua phát triển chiến lược nội dung và lựa chọn từ khoá phù hợp để tối ưu hoá SEO.
Tận dụng những thế mạnh mà công nghệ AI này mang lại, nhiều doanh nghiệp tiết kiệm được gần 50% nhân lực cho bộ phận chăm sóc khách hàng, bộ phận bán hàng tự động,… nhưng vẫn có thể tối ưu hóa dịch vụ hỗ trợ khách hàng của mình bằng ChatGPT. Thậm chí, đối với một số ngành cần tham khảo ý kiến người tiêu dùng, ChatGPT đều có thể cung cấp một lượng ý kiến tương đối vì ược đào tạo dựa trên dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
Đặc biệt, công cụ chatbot này còn có khả năng điều chỉnh và cải thiện chất lượng nội dung xuyên suốt quá trình thu thập dữ liệu về các chủ đề mà khách hàng quan tâm.
ChatGPT có đủ sức thay thế con người?
Bên cạnh những ưu thế vượt bậc, ChatGPT vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như cung cấp thông tin sai lệch, nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng hay đạo văn. Các chuyên gia tin rằng trí tuệ nhân tạo chỉ nên được xem như một công cụ giúp quá trình sáng tạo trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống.
Do vậy, ở thời điểm hiện tại, các marketer nên tập trung vào việc khai thác những lợi ích của ChatGPT để hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích hay mối lo ngại của khách hàng nhằm hỗ trợ cho quá trình triển khai chiến lược một cách hiệu quả.
Vai trò của đội ngũ marketing trong việc chủ động tiếp cận, khai thác insight khách hàng, định hướng chiến lược và kiểm soát nội dung do ChatGPT tạo ra là khó có khả năng bị thay thế trong tương lai.
Vậy những gì mà AI không thể thay thế? Rất nhiều. Bản thân cơ thể này của con người AI cũng không thể thay thế. AI chỉ có thể thay thế một số công việc, tức một số thao tác, hành động của con người, chứ không thay thế được rất nhiều chức năng, thuộc tính của con người.
Khi AI đã thay con người hỗ trợ một phần công việc này thì sẽ tự khắc sinh ra một công việc mới. Tất cả công việc, nhân viên hay AI đều là những yếu tố cần được cải tiến mỗi ngày, mỗi giờ để doanh nghiệp bứt phá trong chiến lược kinh doanh.
Thúc đẩy “cuộc chiến” trả phí trên các công cụ tìm kiếm
Microsoft vừa xác nhận sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ đô la vào OpenAI nhằm xây dựng kế hoạch nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái của mình vào ChatGPT. Theo Manish Sinha – Giám đốc Marketing của công ty tích hợp mạng kỹ thuật số STL, sự kết hợp giữa Microsoft với công nghệ GPT của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing giúp đưa ra những kết quả chính xác hơn, phù hợp với ngữ cảnh và mục đích truy vấn của người dùng dưới dạng các cuộc hội thoại.
Sự phát triển này tạo tiền đề cho những đổi mới lớn trong công nghệ trợ lý giọng nói và giúp Microsoft thu hút lượng lớn người dùng chuyển sang sử dụng công cụ tìm kiếm của mình. Điều này có thể tác động đến cách marketer phân bổ ngân sách cho hoạt động quảng cáo trả phí trên công cụ tìm kiếm khi mà những “gã khổng lồ” công nghệ này luôn tìm cách thương mại hoá những nội dung trên công cụ của mình và giành lấy thị phần trước đối thủ.
Nguồn tham khảo: advertisingvietnam.com
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp