Valentine không còn là dịp đặc biệt dành cho các cặp đôi, riêng đối với thế giới kinh doanh, đây sẽ là chiến trường trải dài với hàng loạt chiến dịch thương mại nhằm tối đa hóa lợi nhuận thông qua tiêu dùng.
Nhận thức đầu tiên về tiềm năng mở rộng thị trường cho dịp Lễ Tình nhân
Xuất phát từ nước Anh vào thế kỷ 17 với truyền thống viết thư tay và sáng tạo chúng theo cách mình muốn để gửi tặng cho người mình yêu. Lá thư giúp đối phương ấn tượng với người viết, chứa đựng đầy đủ tình cảm và ghi nhận sự nỗ lực của người yêu.
Cũng vì nắm bắt được nhu cầu tạo ra những chiếc thiệp hay thư tay vừa đẹp vừa chỉn chu thì công nghệ in đã xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 20.
Một mẫu thiệp Valentine phát hành trong những năm đầu thế kỷ 20 | Nguồn: Transcendental Graphics/Hulton Archive
Chính vì vậy, đây có vẻ như không chỉ là một ngày lễ mang ý nghĩa yêu thương mà còn trở thành một ngày lễ đã được thương mại hóa và dành cho người tiêu dùng.
Các chủ doanh nghiệp, xưởng in thời đó đã cân nhắc việc tung ra các mặt hàng quà tặng dành riêng cho ngày lễ vì họ nhìn ra được tiềm năng kinh doanh nếu dấn thân vào thị trường càng sớm càng tốt.
Hay nói cách khác, tuy các công ty không tạo ra ngày lễ nhưng bản thân họ đủ sức để tạo nên nhu cầu về những nghi thức cần có trong những ngày lễ này, khiến bất kỳ ai tham gia vào không thể không làm theo.
Những chiến dịch quảng cáo, những mặt hàng mới ra lò, những gợi ý ăn mừng trên truyền thông,… ban đầu, các nhà kinh doanh gây dựng doanh thu bằng sự tò mò và tán thưởng, sau dần từ sở thích sẽ hình thành thói quen, và một khi đã thành quen thì tặng quà nghiễm nhiên được nâng lên một bậc thành văn hoá, rồi nghi thức có quyền lực tác động để cứ đến hẹn lại lên, tất cả con dân trai gái trên khắp hành tinh này sẽ tự động mở hầu bao vì một ngày Valentine trong mơ như ý (mà họ đã được vẽ ra bởi các thương hiệu lẫn truyền thông trước đó).
Đánh thức nhu cầu mua sắm vào mọi ngóc ngách thị trường
Từ việc chỉ tặng thiệp (như ở Anh vào thế kỷ 17), không biết từ bao giờ mà Valentine là phải có chocolate, có hoa hồng, thậm chí sau này còn có nhẫn kim cương, tiệc tối 5 sao hay chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm xa xỉ nào đó. Theo thống kê của Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc gia Hoa Kỳ (National Retail Federation, gọi tắt là NRF), kẹo (56%), thiệp chúc mừng (40%), hoa (37%), đi chơi buổi tối (31%) và trang sức (22%) vẫn là một số hình thức quà tặng phổ biến nhất trong ngày lễ Valentine.
Để chứng minh trào lưu kinh doanh này đã kéo dài đến ngày nay, Fox đã nêu ra dữ liệu chỉ số tiêu dùng tại Mỹ trong Ngày Valentine vào năm 2022. Theo đó, Valentine là ngày lễ đạt mức chi tiêu cao thứ hai trong lịch sử các ngày lễ tại Mỹ vào năm ngoái, với tổng số tiền lên đến 23,9 tỷ USD. Mức chi tiêu lớn nhất của người tiêu dùng đối với hàng hóa bán ra trong ngày Lễ Tình nhân là vào năm 202, với tổng số tiền là 27,4 tỷ USD. Lượng chi tiêu này thực chất xảy đến do việc thương mại hóa ngày lễ – một tình trạng đang diễn ra trong thời đại ngày nay.
Thậm chí, đối với những ai đang độc thân, các nhà kinh doanh và các nhà marketing còn khôn khéo đến mức tạo thêm một nhu cầu mới để đáp ứng xu hướng gần đây là mua quà cho tất cả những người thân yêu – chứ không chỉ một người quan trọng nào, như một sự đón đầu trước làn sóng gia tăng của phong trào phản đối Ngày lễ Tình nhân.
Điều này nhắm mục tiêu đến những người độc thân bằng cách tiếp thị các sản phẩm hướng tới việc chống lại sự cô đơn và thực hành chăm sóc bản thân. Đến đây chúng ta có thể thấy rất rõ, sự gia tăng chi tiêu vào Ngày lễ Tình nhân – cho dù đó là mua quà cho bản thân, người yêu hay những người thân yêu – phản ánh niềm tin rằng tiêu tiền là điều cần thiết để thể hiện tình yêu.
Căng thẳng đến từ trải nghiệm thấp hơn kỳ vọng
Tuy nhiên, điều này có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ nếu kỳ vọng của đối phương không được đáp ứng. Các doanh nghiệp chính là đang khai thác nỗi sợ hãi của khách hàng về việc làm thất vọng những người quan trọng khác của họ và khuyến khích người tiêu dùng chọn những món quà có giá đắt hơn.
Ngoài ra, áp lực xã hội cũng khiến mọi người cảm thấy họ phải có một Ngày lễ Tình nhân hoàn hảo. Các nền tảng như Instagram và TikTok chứa đầy hình ảnh của người có ảnh hưởng (influencer) và người nổi tiếng (celebrity) khoe khoang những món quà và trải nghiệm xa hoa, tạo ra một khái niệm có phần lệch lạc về cách mà ngày lễ này nên được kỷ niệm. Hành vi này có thể trở nên tai hại đối với những người trẻ tuổi khi góp phần gia tăng áp lực phải theo kịp những biểu hiện tình cảm vật chất này.
Việc quá tập trung vào văn hoá quà tặng cũng có thể vô tình khẳng định một quan niệm mới trong xã hội rằng tình yêu có thể được định lượng bằng số tiền chi tiêu, dẫn đến nhận thức sai lệch và không lành mạnh về các mối quan hệ. Vì thế, dù là mang lại lợi nhuận nhưng với vai trò người dùng, bạn không nên áp đặt yếu tố quà tặng gắn vào mục “bắt buộc” để không rơi vào chủ nghĩa thực dụng trong các mối quan hệ.
Nguồn tham khảo: L’OFFICIEL
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp