Cảm giác bức bối, khó chịu và dễ dàng bực dọc trước nhiều câu chuyện diễn ra không như mình mong muốn, tuy vô cùng tiêu cực nhưng đó là hành vi mà ai trong chúng ta cũng đều đã trải qua. Dù không vận động nhiều nhưng đôi lúc cảm giác này khiến cơ thể như dần cạn kiệt sự tươi mới, năng lượng tràn trề của mọi ngày dường như đâu mất.
Ai cũng có “ngân sách” năng lượng
Ít ai biết rằng, những cảm giác này khiến não bộ lấy đi khá nhiều năng lượng để tập trung giải quyết các vấn đề tiêu cực để giúp chúng ta giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên “ngân sách” năng lượng trong cơ thể có hạn, vì vậy bạn nhanh chóng bị kiệt sức.
Và theo thuật ngữ khoa học thì mỗi người đều sở hữu body budget nhất định. Khái niệm này được nhà thần kinh học Lisa Barrett đưa ra trong cuốn sách How Emotions Are Made, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bổ năng lượng hợp lý với khả năng cân bằng cảm xúc.
Não sẽ đảm nhận nhiệm vụ phân bổ nguồn năng lượng trong cơ thể, cũng như dự đoán nhu cầu năng lượng trong tương lai giúp chúng ta “vận hành” bình thường. Đồng thời dựa vào các thông tin giác quan nó nhận được từ bên trong và bên ngoài cơ thể để đưa ra phản ứng cảm xúc phù hợp.
Body budget đóng vai trò cao hơn lý trí?
Theo bà Barrett, con người không thể kiềm chế các cảm xúc tiêu cực bằng tư duy lý trí. Điều này là vì ngân sách cơ thể mới là yếu tố quyết định suy nghĩ và nhận thức của bạn.
Hiểu một cách đơn giản, nếu coi ngân sách cơ thể là tài khoản ngân hàng năng lượng, thì tâm trạng bạn chính là số dư của tài khoản đó. Khi số dư bị âm, não dễ kết luận sai lầm rằng bạn đang ở tình huống bất ổn. Hệ quả là nó đưa ra phản ứng cảm xúc kém lý tưởng, thậm chí mang tính phá hoại.
Một ví dụ điển hình của trường hợp này là “hangry” – cảm giác bực bội, cáu kỉnh khi bạn đói (kết hợp từ “hungry” – đói và “angry” – giận dữ). Theo nhà tâm lý học lâm sàng Sophie Mort, tức giận vốn là cảm xúc xảy ra khi bạn bị đe dọa, và cảm thấy đủ sức mạnh để phản ứng lại mối đe dọa đó. Cơn đói thì không thực sự là mối đe dọa, nhưng nó cho thấy cơ thể bạn đang bị cạn năng lượng. Sự hao hụt này đã khiến não nhầm tưởng và cho ra phản ứng tức giận.
Làm sao để tái tạo và và làm đầy năng lượng?
Theo dự án Energy Project của Harvard Business School, có 4 nguồn chính cung cấp năng lượng cho cơ thể người. Và dù 4 loại năng lượng này được tạo ra theo cách khác nhau, chúng có liên quan mật thiết đến nhau trong việc giữ cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần:
Năng lượng thể chất (physical energy): Được tái tạo qua chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện hợp lý.
Năng lượng cảm xúc (emotional energy): Được tái tạo qua tương tác với người khác. Cụ thể hơn, năng lượng cảm xúc hình thành từ hành vi quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cũng như cảm giác an toàn và tin tưởng.
Năng lượng tinh thần (mental energy): Được tái tạo qua việc tập trung làm điều bạn thích, và khả năng thiết lập các ranh giới lành mạnh.
Năng lượng tâm linh (spiritual energy): Được tái tạo qua việc tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong những điều bạn làm. Trong vài trường hợp, loại năng lượng này có thể gộp chung với năng lượng tinh thần.
Cần lưu ý rằng, năng lượng cảm xúc chính là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tổng ngân sách cơ thể. Việc tiếp xúc, trò chuyện với các thông tin bên ngoài có thể khiến bạn bổ sung nhưng vẫn có nguy cơ rút cạn ngân sách nếu bạn không giỏi kiếm chế cảm xúc.
Cụ thể, khi bạn nghe lời nói từ người khác, mạng lưới ngôn ngữ (language network) trong não sẽ kích hoạt các cơ quan khác nhau của cơ thể. Nếu đó là ngôn ngữ tích cực, vùng dưới đồi và tuyến yên được kích hoạt để sản sinh dopamine, oxytocin và serotonin. Điều này giúp bạn sảng khoái và thỏa mãn, từ đó có thêm năng lượng tích cực.
Còn nếu là ngôn ngữ tiêu cực, mạng lưới sẽ truyền tín hiệu tới tuyến thượng thận để giải phóng cortisol (để quản trị căng thẳng) và adrenaline (để kích hoạt phản ứng chiến hay chạy nếu cần). Lượng đường trong máu lưu thông đến những khu vực này cũng tăng lên, giúp cơ thể chuẩn bị cho tình huống nguy hiểm.
Như vậy là ngôn ngữ tiêu cực khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng nhiều hơn mức bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, ngân sách cơ thể sẽ sớm hao hụt. Đây chính là lý do dù có lý trí đến đâu, bạn khó có thể thực sự bỏ ngoài tai những lời tiêu cực người khác nói.
Làm sao để bảo toàn body budget khi căng thẳng?
Có thể nói dù có mạnh mẽ hay tư duy lý trí thế nào thì bạn vẫn sẽ mất đi khối năng lượng đáng kể, câu chuyện lúc này là phải làm sao bảo toàn tối đa ngân sách và khiến cơ thể mau chóng phục hồi, đồng thời xử lý câu chuyện theo hướng tích cực nhanh nhất có thể.
Bạn có toàn quyền chủ động duy trì năng lượng thể chất bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tương tự với năng lượng tinh thần/tâm linh, bạn có thể duy trì bằng việc theo đuổi một sở thích, làm từ thiện hay giúp đỡ người khác.
Với năng lượng cảm xúc, bạn không kiểm soát được những gì người ngoài nói với bạn, song bạn có thể kiểm soát cách mình phản ứng với chúng.
Nếu hoàn cảnh cho phép, bạn có thể nói thẳng với đối phương về điều này và yêu cầu họ thay đổi hành vi. Vì trong nhiều trường hợp họ không hề cố ý xúc phạm bạn (chẳng hạn nói đùa, nhưng không nghĩ rằng trò đùa này khiến bạn không vui).
Trường hợp bối rối và khó kiểm soát cảm xúc, cách tốt nhất để hạn chế cơn nóng giận hay cảm giác bị tổn thương, đó là hãy phớt lờ và chuyển hướng bằng vấn đề khác và hẹn sẽ trả lời vấn đề kia sau.
Nếu gặp biến cố lớn khiến bạn đau lòng, ngân sách bạn sẽ bị “âm” trong thời gian dài. Điều này xảy ra do cơ thể phải dồn năng lượng để tiêu hóa và xử lý loạt sự kiện tiêu cực vừa ập đến với bạn.
Trong thời gian đợi nó hồi phục, bạn không nên làm việc gì tiêu hao quá nhiều năng lượng của bản thân, chẳng hạn rời khỏi vùng an toàn. Bạn cũng nên “thả lỏng” chế độ ăn uống hoặc nghỉ ngơi, nếu nó giúp bạn phục hồi năng lượng nhanh hơn.
Thỉnh thoảng bạn cũng nên “thanh lọc” mạng xã hội, bỏ follow những content độc hại hoặc những người bạn không còn muốn kết giao. Trong trường hợp người độc hại là thành viên gia đình, bạn có thể không loại bỏ hẳn, nhưng hạn chế tối đa việc tiếp xúc/tương tác với họ.
Nguồn tham khảo: Vietcetera
Bài: Kim Yến
Ảnh: Tổng hợp